Chi tiết tin - Sở Tài nguyên và Môi trường

Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ về việc xác định địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và tỉnh Quảng Trị tại hai khu vực do lịch sử để lại

15:58, Thứ Bảy, 26-3-2022

 Sáng ngày 02/8, tại TP.Huế, đoàn công tác của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam do ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị để thống nhất kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ về việc xác định địa giới hành chính giữa hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị tại hai khu vực do lịch sử để lại.

Ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc

         Tham dự Hội nghị có đại diện Vụ Nội chính, Văn phòng Chính phủ; Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ; đại diện lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương liên quan của 2 tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị.
        Ngày 13/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP về việc xác định địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và tỉnh Quảng Trị tại hai khu vực do lịch sử để lại gồm: khu vực xã Hồng Thủy và khu vực thôn Câu Nhi. Việc Chính phủ ban hành nghị quyết giúp đảm bảo quyền lợi của người dân, đồng thời giúp hai địa phương thuận lợi trong việc lập quy hoạch, chủ động trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
         Tại buổi làm việc, đại diện của Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quán triệt đến lãnh đạo hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị các văn bản pháp luật liên quan, phương án tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Nghị quyết 31/NQ-CP. Trong đó, sẽ phải tiến hành xác định đường địa giới hành chính, vị trí cắm mốc giới hành chính trên thực địa; cắm mốc, đo tọa độ và vẽ sơ đồ vị trí mốc địa giới; hoàn thiện hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính gốc thực địa và tiến hành ký pháp lý hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính. Thời gian hoàn thành các công việc trong năm 2019.


Toàn cảnh buổi làm việc

          Phát biểu tại Hội nghị, ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đề nghị hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị tích cực triển khai các nội dung tại Nghị quyết 31/NQ-CP của Chính phủ; sớm thành lập các tổ công tác, có đầu mối trực tiếp giải quyết công việc ngoài thực địa và thống nhất thời gian triển khai công việc liên quan. Cục sẽ khẩn trương triển khai những nội dung công việc được giao trong thẩm quyền, sớm hoàn thành các nội dung tại Nghị quyết 31/NQ-CP của Chính phủ về việc xác định địa giới hành chính giữa hai tỉnh Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị tại hai khu vực do lịch sử để lại, đảm bảo ổn định đời sống của người dân sinh sống ở các khu vực đó.
        Tại Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2019, Chính phủ đã quyết nghị xác định địa giới hành chính giữa hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị tại hai khu vực do lịch sử để lại như sau:
        Khu vực xã Hồng Thủy giáp ranh giữa xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế và xã A Bung, huyện Đa Krông, tỉnh Quảng Trị, nằm trên 6 mảnh bản đồ địa hình tỷ lệ 1:10.000, hệ tọa độ quốc gia VN-2000 do Bộ Tài nguyên và Môi trường xuất bản năm 2009.
        Đường địa giới hành chính được xác định khởi đầu từ đỉnh núi cao hơn 1.064m (trên biên giới Việt Nam-Lào) theo hướng Bắc-Tây Bắc đi theo khe, giữa suối Pa Ay đến giao điểm giữa suối Pa Ay và khe (phía Tây mỏm núi cao 365,5m) chuyển hướng Tây đi giữa khe rồi theo sống núi đến đỉnh cao 655,3m, chuyển hướng Tây Bắc theo sống núi qua các đỉnh cao 586,3m, 573,3m, đến đỉnh núi cao hơn 544m chuyển hướng chính là hướng Tây, tiếp tục đi theo sống núi qua các đỉnh cao 455,8m, 426,5m, 344,9m gặp khe Ky Chom rồi chuyển hướng Bắc Tây Bắc đi giữa khe Ky Chom gặp suối Pa Ay, chuyển hướng Tây-Tây Bắc đi theo suối Pa Ay gặp ngã ba suối (phía Tây Nam mỏm núi cao 308,4m), chuyển hướng Bắc-Đông Bắc đi giữa khe, theo sống núi qua đỉnh cao 494,9m rồi theo khe đến giữa sông Đa Krông theo hướng Đông Bắc đến cống thoát nước giữa thôn Tru Pỉ và thôn Cựp, chuyển hướng Bắc đi theo khe đến các đỉnh cao 356,9m, 453,5m, 526,6m, 559,0m, 558,2m đến mỏm núi (phía Đông Nam đỉnh cao 678,0m), chuyển hướng Đông Nam đi theo sống núi cắt qua sông Đa Krông gặp đường Hồ Chí Minh, theo hướng chung Đông Nam, đi giữa đường Hồ Chí Minh đến đỉnh đèo Pê Ke, theo hướng Đông rồi hướng Bắc đi theo sống núi đến đỉnh cao 1.404m (động Ca Cút).
       Khu vực thôn Câu Nhi giáp ranh giữa các xã Phong Thu, Phong Mỹ (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) và các thôn Tân Lập, xã Hải Ba, Phú Xuân B (Tân Xuân) xã Hải Xuân, Phú Kinh Phường xã Hải Hòa, Câu Nhi xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) nằm trên hai mảnh bản đồ địa hình tỷ lệ 1:10.000, hệ tọa độ quốc gia VN-2000 do Bộ Tài nguyên và Môi trường xuất bản năm 2009. Đường địa giới hành chính được xác định khởi đầu từ ngã ba địa giới 3 xã: xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) và xã Phong Thu, xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế), được đánh dấu trên thực địa bằng mốc bêtông ba mặt cấp xã có số hiệu (HC-PT-PM)3X.l, theo hướng Đông Nam và Đông Bắc đi theo sống núi, qua suối và qua các đỉnh cao 31,6m, 56,1m, 84,2m, 63,2m, 36,9m đến đầu khe, theo hướng Bắc-Tây Bắc và Đông Bắc đi theo chân đồi và ruộng lúa đến hồ Bàu Thuốc, chuyển hướng Đông đi giữa hồ Bàu Thuốc rồi chuyển hướng Tây Bắc và Đông-Đông Nam đi theo ranh giới giữa ruộng và khu dân cư đến Quốc lộ 1A, theo hướng Tây Bắc đi giữa Quốc lộ 1A rồi chuyển hướng Đông Bắc đi theo ranh giới khu dân cư đến mốc bêtông hai mặt (là điểm địa giới hai tỉnh đã thống nhất).
                                                                                                                      
Tin: Quang Đạt (P.ĐĐBĐ)

Các tin khác