Chi tiết tin - Sở Tài nguyên và Môi trường

Khảo sát nghiên cứu đa dạng loại rong biển chi Lobophora tại Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ

10:44, Thứ Tư, 6-7-2022

Rong biển là nhóm thực vật bậc thấp sống trong thủy vực nước mặn và nước lợ tại các vùng ven biển, cửa sông và các đảo xa bờ. Đây là một trong những nguồn tài nguyên quan trọng của kinh tế biển vì ngoài giá trị sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu để tách chiết được nhiều loại chất, hợp chất như agar, alginate, carrageenan… phục vụ các ngành công nghiệp: thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm..., rong biển có thể hấp thụ nhanh các chất ô nhiễm, góp phần cải tạo môi trường nước biển phục vụ du lịch, nuôi trồng các loài hải sản. Bên cạnh là nơi đẻ trứng, nuôi dưỡng bảo vệ ấu trùng, con non của rất nhiều các loài hải sản…, các thảm rong biển còn có giá trị sử dụng gián tiếp như hấp thụ CO2 dư thừa làm giảm hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu, cùng với san hô và trùng lỗ góp phần hình thành các rạn và bảo vệ nền đáy trước tác động của bão lũ, sóng, dòng chảy ven bờ…, là sinh cảnh phục vụ du lịch… Cùng với san hô, đây là 2 khu hệ sinh thái quan trọng bậc nhất trong biển, chúng được ví như “những cánh rừng sinh thái” để các loài sinh vật biển khác khu trú và sinh trưởng. Trên thực tế, rong biển cũng là nguồn lợi có thể tái tạo nên hầu hết các quốc gia có biển đều quan tâm bảo tồn và phát triển nguồn lợi rong biển.

 

        Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ cách đất liền khoảng 15 hải lý là một trong những hệ sinh thái biển có tính đa dạng sinh học cao của Việt Nam, với các hệ sinh thái điển hình của vùng biển nhiệt đới như rạn san hô rong cỏ biển và các loài cá. Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ có tổng diện tích 4.532 ha, bao gồm 3 phân khu chức năng: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt có diện tích 534 ha; phân khu phục hồi sinh thái 1.392 ha; phân khu phát triển 2.376 ha. Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ có mức độ đa dạng sinh học cao với khoảng 113 loài san hô, 57 loài rong cỏ biển, 67 loài động vật đáy, 19 loài giáp xác, 224 loài cá biển khơi, 87 loài cá rạn san hô, 164 loài thực vật phù du, 68 loài/nhóm động vật phù du.

         Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa các bên và được sự đồng ý của UBND tỉnh Quảng Trị, Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã mời hai nhà khoa học là Tiến sỹ Christophe Vieira (quốc tịch cộng hòa Pháp) và Hyung Woo Lee (quốc tịch Hàn Quốc) hiện đang công tác giảng dạy tại Trường Đại học Jeju, Hàn Quốc, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, đại diện Ban quản lý Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ để khảo sát, thu thập một số mẫu rong biển ở vùng nước ven bờ đảo Cồn Cỏ thuộc Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ.

Hoạt động lấy mẫu của đoàn

         Nội dung khảo sát được thực hiện nhằm đưa ra bức tranh về hiện trạng đa dạng loài và phân bố của các loài rong biển tại Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ. Trong chuyến khảo sát từ ngày 24/5/2022 đến ngày 25/5/2022, sử dụng phương pháp điều tra thực địa lặn sâu có khí tài scuba, kết hợp với chụp ảnh, thu mẫu, bước đầu đoàn nghiên cứu nhận thấy rong biển và rạn san hô ở Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ có độ phủ cao, đa dạng về thành phần loài và còn tương đối nguyên vẹn chỉ sau đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu) và Hòn Mun (Khánh Hòa). Bên cạnh đó, một số loài san hô quý hiếm như san hô đỏ và san hô đen cũng được tìm thấy ở đây.

Một số mẫu rong biển tại chuyến khảo sát

         Bộ mẫu rong biển sau khi được thu thập sẽ được bảo quản, vận chuyển về phòng thí nghiệm của Viện Tài nguyên và Môi trường biển để phân tích, làm giáo cụ trực quan cho sinh viên hiện đang theo học tại Viện cũng như tập huấn phương pháp nhận dạng rong biển cho các cán bộ khoa học trẻ. Bên cạnh đó, sản phẩm của quá trình nghiên cứu là cơ sở khoa học cho việc bảo tồn, phát triển đa dạng loài rong biển tại Khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ.

Đoàn khảo sát chụp ảnh lưu niệm


                                                          Bài và ảnh: Tây Đức (CCBĐ)

Các tin khác