Chi tiết tin - Sở Tài nguyên và Môi trường

Ngày quốc tế Đa dạng sinh học 22/5/2020: Các giải pháp của chúng ta sẵn có ở thiên nhiên

8:20, Thứ Sáu, 1-4-2022

       Ngày 22 tháng 5 hàng năm được Liên hợp quốc chọn là Ngày quốc tế Đa dạng sinh học với mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học. Chủ đề Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm  2020 là “Các giải pháp của chúng ta sẵn có ở thiên nhiên” (gốc tiếng Anh: “Our solutions are in nature”). Thông điệp này kêu gọi con người sống hài hoà với thiên nhiên, áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để tạo sự thay đổi tích cực, đóng góp cho bảo vệ thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

Đa dạng sinh học và hệ sinh thái cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho xã hội, đặc biệt là các dịch vụ điều tiết và hỗ trợ, giúp con người thích ứng với các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai. Ví dụ, các rạn san hô và thảm thực vật ven biển hỗ trợ chắn sóng và bảo vệ bờ biển. Các vùng đất ngập nước điều tiết dòng chảy lũ, rừng và cây rừng ổn định trầm tích, bảo vệ khỏi sạt lở đất. Các hệ sinh thái cũng kéo dài tuổi thọ của cơ sở hạ tầng, do đó tiết kiệm chi phí đầu tư của Chính phủ.

Mặc dù vậy, đa dạng sinh học trên toàn cầu đang bị suy thoái với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người (IBPES, 2019). Tình trạng này đe doạ đến tiến trình phát triển bền vững của nhân loại. Chính vì thế, Liên hợp quốc kêu gọi áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học, sống hài hoà với thiên nhiên nhằm đóng góp chung vào nỗ lực toàn cầu trong bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

Chủ đề “Giải pháp của chúng ta sẵn có ở thiên nhiên” nhấn mạnh các giải pháp dựa vào tự nhiên có thể góp phần giải quyết các thách thức xã hội, cho dù đó là an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, sức khỏe con người, rủi ro thiên tai, dịch bệnh hay phát triển kinh tế. Các giải pháp dựa vào thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học là chìa khóa để giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tăng khả năng phục hồi và thích ứng ở một số khu vực quan trọng, bao gồm bảo tồn và phục hồi rừng và các hệ sinh thái trên cạn; bảo tồn và phục hồi tài nguyên nước ngọt cũng như hệ sinh thái biển và đại dương, hệ thống nông nghiệp và thực phẩm bền vững. Công ước Đa dạng sinh học cũng nhấn mạnh con người là một phần của thiên nhiên chứ không tách rời khỏi thiên nhiên.

Các giải pháp dựa trên thiên nhiên là một thuật ngữ có thể được sử dụng để mô tả các phương pháp tiếp cận thay thế và phi truyền thống đối với các vấn đề môi trường, như lũ lụt, khan hiếm nước hoặc xói mòn đất, bằng cách khai thác vốn tự nhiên. Trong khi phương pháp truyền thống trong phát triển cơ sở hạ tầng là “xám” - liên quan đến các cấu trúc xây dựng và nhân tạo - các giải pháp dựa trên tự nhiên bao gồm cơ sở hạ tầng tự nhiên, xanh và tích hợp, kết hợp các yếu tố của cả ba. Các giải pháp dựa trên thiên nhiên giải phóng việc xây dựng các công trình biển, hồ chứa, đập và hệ thống thoát nước mà cách tiếp cận cơ sở hạ tầng “xám” sẽ gặp phải một số rủi ro về biến đổi khí hậu. Thay vào đó, các giải pháp dựa trên thiên nhiên có thể bao gồm khôi phục và bảo tồn các rạn san hô và vành đai rừng ngập mặn để tăng cường khả năng chống chịu lũ lụt ven biển và nước biển dâng, đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên giúp tiêu tán năng lượng 2 sóng; thảm thực vật để giảm nguy cơ sạt lở và tạo ra các vành đai xanh để giúp bổ sung nước ngầm ở những khu vực phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước. Một số hành động khuyến cáo cho việc áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên chính là tiếp cận hệ sinh thái để giải quyết đồng thời mất đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và suy thoái đất; cân nhắc vấn đề đa dạng sinh học trong phát triển các ngành kinh tế.

Thực hiện Công văn số 2141/BTNMT-TCMT ngày 20/4/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Công văn số 1761/UBND-MT ngày 21/4/2020 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc hưng ứng Ngày quốc tế đa dạng sinh học năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị đã có Công văn số 1355/STNMT-CCBVMT ngày 14/5/2020 gửi các sở, ban ngành, các tổ chức, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan truyền thông; Các BQL Khu Bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng trên địa bàn toàn tỉnh tổ chức các hoạt động hưởng ứng, cụ thể:

1. Tổ chức lồng ghép các hoạt động truyền thông trong các hoạt động của các tổ chức, cơ quan nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về vai trò, tầm quan trọng của đa dạng sinh học và trách nhiệm của mọi người; các giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học.

2. Phát động các phong trào bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng hợp lý và tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên; thực hiện tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường; không vận chuyển, buôn bán, sử dụng các loài động, thực vật nguy cấp, quý hiếm, ưu tiên bảo vệ; thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học gắn với các hoạt động xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; thực hiện các hoạt động nuôi, trồng, khai thác bền vững các loài sinh vật, các giống cây trồng, vật nuôi, đặc biệt trong các ngành nông, lâm, ngư nghiêp, dược liệu và chế biến.

3. Chỉ đạo nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, tiếp cận hệ sinh thái trong quá trình xây dựng quy hoạch tỉnh và trong việc áp dụng các giải pháp công trình để có hiệu quả và bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường tự nhiên; Thúc đẩy việc thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững, áp dụng tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý tổng hợp đới bờ, lưu vực sông, quản lý rừng bền vững, chú trọng vai trò và quyền lợi của cộng đồng.

4. Tùy vào điều kiện cụ thể, tiến hành các hoạt động truyền thông thích hợp, các cuộc thi tìm hiểu, triển lãm, xây dựng phim, phóng sự theo chủ đề của Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm 2020; treo áp phích, tranh cổ động, in tờ rơi và các hoạt động tuyên truyền phù hợp khác tại cơ quan, địa phương.

Các thông tin về Ngày quốc tế đa dạng sinh học 2020 tham khảo tại Công văn số 1355/STNMT-CCBVMT ngày 14/5/2020 và tại địa chỉ  http://www.cbd.int/idb/2020.


                                                                                                                                        Bài và ảnh: Thanh Luận (CCBVMT)

Các tin khác