Chi tiết tin - Sở Tài nguyên và Môi trường

Tăng cường bảo vệ môi trường, phòng ngừa sạt lở đất đối với các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh

15:20, Thứ Bảy, 26-3-2022

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 31 dự án điện gió đã được đưa vào quy hoạch và đã được UBND tỉnh cấp chủ trương đầu tư với tổng công suất 1.177,2MW. Có 2 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động (Nhà máy Điện gió Hướng Linh 1, Hướng Linh 2); 20 dự án đang triển khai xây dựng; 4 dự án chưa triển khai thi công. Việc phát triển điện gió đã tạo ra nguồn năng lượng tái tạo, bảo đảm cung cấp điện kịp thời cho nền kinh tế, giảm các nguồn năng lượng hóa thạch và chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển bền vững, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện chủ trương xây dựng Quảng Trị thành Trung tâm năng lượng của Miền Trung. Trên địa bàn huyện Hướng Hóa, việc xây dựng 22 dự án điện gió đã góp phần xây dựng, nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông khoảng 80km đường nối liền các thôn, bản các xã vùng sâu, vùng xa, khắc phục được khó khăn về giao thông và tình trạng bị chia cắt trong mùa mưa lũ, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Việc triển khai xây dựng các dự án điện gió cũng đã tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương…

Đ/c Hà Sỹ Đồng - UVBTV, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát động trồng cây xanh bảo vệ môi trường sinh thái vùng triển khai các dự án điện gió ngày 23/8/2021

        Tuy nhiên, việc phát triển các dự án điện gió cũng tạo ra những tác động môi trường nhất định, đặc biệt là trong điều kiện tập trung xây dựng thi công các công trình nhằm đảm bảo tiến độ để đáp ứng yêu cầu về thời gian hoàn thành trước ngày 01/11/2021. Tại Hội nghị Phòng chống thiên tai, sạt lở ở Miền núi tỉnh Quảng Trị (trọng tâm tại khu vực thực hiện các Dự án điện gió) vào ngày 23/8/2021, đồng chí Nguyễn Trường Khoa - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã phát biểu, trình bày tham luận về những tác động môi trường của các dự án điện gió, đánh giá mức độ chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, đồng thời cũng đưa ra những kiến nghị nhằm khắc phục những hạn chế, nhất là những giải pháp nhằm đảm bảo phòng ngừa nguy cơ sạt lỡ trong mùa mưa lũ sắp tới.

        Bài phát biểu nêu rõ hiện nay có 26 dự án điện gió đã có hồ sơ môi trường theo quy định (11 báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), 15 kế hoạch môi trường); 01 dự án đang trình thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM; 04 dự án chưa tiếp nhận hồ sơ môi trường. Trong quá trình xây dựng và vận hành Các Chủ đầu tư cơ bản đã thực hiện các yêu cầu theo báo cáo ĐTM, kế hoạch bảo vệ môi trường đã phê duyệt. Các dự án đã nộp tiền ký quỹ trồng rừng thay thế; đã ký cam kết hưởng ứng Chương trình Một tỷ cây xanh do Thủ tướng phát động; tuân thủ quy trình vận chuyển và tập kết vật tư, thiết bị, nguyên liệu sản xuất, đảm bảo an toàn giao thông trong khu vực; thường xuyên phun nước làm ẩm trên các đường vận chuyển hạn chế tối đa lượng bụi phát sinh; thực hiện các giải pháp an toàn, chống sạt lỡ đất như lu lèn đầm chặt, giật cấp, hoàn thiện hệ thống phân thủy, trồng cỏ áp mái và gia cố rọ đá. Một số đơn vị cơ bản đã hoàn thành việc gia cố tại các bãi tập kết như các Dự án Nhà máy Điện gió: Hướng Tân, Tân Linh, Phong Huy, Phong Nguyên, Liên Lập; nhiều đoạn đường công vụ cũng đã được thảm bê tông asphant, gia cố mái taluy và rãnh thoát nước kiên cố dọc theo tuyến. Các chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp và xây dựng đã được thu gom, xử lý đúng quy định. Một số dự án có đặt các pano tuyên truyền về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, biển báo cảnh báo về nguy cơ sạt lỡ. Một số dự án cũng đã tuân thủ các quy định về quan trắc và báo cáo môi trường định kỳ để gửi cho các cơ quan chức năng để tham gia giám sát.


Đ/c Nguyễn Trường Khoa - Giám đốc Sở TNMT đã phát biểu tại Hội nghị

            Tuy nhiên, một số dự án vẫn chưa chấp hành đúng các quy định về bảo vệ môi trường. Một số Dự án chưa thực hiện vận chuyển, xử lý đất dư thừa đổ đúng nơi quy định tại bãi thải; việc giật cấp, gia cố bãi thải đã làm nhưng chưa hoàn thiện (chưa áp cỏ mái, dốc mái còn quá cao và đứng, chưa có gia cố thêm rọ đá...); một số bãi thải có nguy cơ sạt lỡ, rửa trôi đất làm bồi lấp ruộng lúa và khu vực hạ lưu trong mùa mưa lũ; Một số tuyến đường vận chuyển chưa thực hiện gia cố taluy mái đường ở những đoạn xung yếu, chưa hoàn thiện hệ thống rãnh thu gom nước mặt tại các tuyến đường.
           Nhằm khắc phục, giảm thiểu các tác động đến môi trường, phòng ngừa nguy cơ sạt lở đất trong mùa mưa bão sắp tới, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất những kiến nghị, giải pháp sau:
          - Chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm túc các giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường. Trong mùa mưa lũ sắp đến, Chủ đầu tư phải cử cán bộ thường xuyên theo dõi các điểm xung yếu dễ xảy ra các sự cố sạt lỡ đất, khắc phục kịp thời và báo cáo ngay cho chính quyền địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường.
         - UBND huyện Hướng Hóa tăng cường chỉ đạo UBND cấp xã và các cơ quan chuyên môn giám sát chặt chẽ việc triển khai thi công Dự án, trong đó cần quan tâm đến vấn đề sạt lở đất tại các khu vực đổ thải, tuyến đường vận chuyển, tuyến đường công vụ, trụ điện gió, trạm biến áp. Chủ động cung cấp thông tin và phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát, xử lý các sự cố về môi trường. Thực hiện việc kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các dự án do UBND huyện xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
         - Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND huyện Hướng Hóa phối hợp cùng kiểm tra, giám sát, yêu cầu các Chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc những cam kết bảo vệ môi trường theo hồ sơ đã phê duyệt, nhất là các giải pháp phòng chống sự cố sạt lỡ đất tại các điểm tập kết đất đá thải. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ Điều tra, đánh giá tác động của các dự án năng lượng tái tạo đến tài nguyên thiên nhiên môi trường và kinh tế xã hội tỉnh Quảng Trị trong giai đoạn 2021-2025 và có tính đến năm 2030 để đề xuất các giải pháp kịp thời nhằm định hướng phát triển năng lượng điện gió trong thời gian tới.
        Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các Chủ dự án điện gió phải thực hiện nghiêm túc các giải pháp xây dựng, vận hành công trình, đảm bảo việc phát triển điện gió phải gắn liền với bảo vệ môi trường, hạn chế đến mức thấp nhất các tác động môi trường, nguy cơ sạt lỡ trong mùa mưa lũ; giao Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Hướng Hóa phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các Dự án để đề xuất các giải pháp kịp thời, giảm thiểu các tác động có thể xảy ra.
         Trong khuôn khổ Hội nghị, UBND tỉnh Quảng Trị tiếp tục vận động hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động. Qua đó, các Chủ dự án điện gió đã ủng hộ 750 triệu đồng vào Quỹ một tỷ cây xanh của huyện Hướng Hóa nhằm chung tay góp phần trồng cây xanh trên địa bàn huyện.
                                                                                                                  
 Bài và ảnh: Thanh Luận (CCBVMT)

Các tin khác