Chi tiết tin - Sở Tài nguyên và Môi trường

Hội thảo xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản

Post date: 26/03/2022

        Ngày 14/9/2019, tại thành phố Đà Nẵng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tổ chức Hội thảo xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Tham dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí Lại Hồng Thanh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, đồng chí Phạm Ngọc Chi - Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Bắc, đồng chí Bùi Văn Đào - Cục trưởng Cục Kiểm soát hoạt động khoáng sản miền Trung cùng hơn 60 đại biểu đại diện các Sở Tài nguyên và Môi trường và một số doanh nghiệp các tỉnh: Quảng Bình, Quảng trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum.

Đồng chí: Lại Hồng Thanh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục địa chất và
Khoáng sản Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

 
      Thông qua Hội thảo, đồng chí Lại Hồng Thanh nhấn mạnh, theo đánh giá kết quả 02 năm thực hiện Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, từ khi Nghị định 33 có hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản đã được tăng cường từ Trung ương đến địa phương. Việc triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra đã góp phần đưa hoạt động khai thác khoáng sản đi vào nề nếp; ý thức pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác liên quan của tổ chức, cá nhân được nâng cao.

       Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị định 33 vẫn còn một số tồn tại, bất cập, vướng mắc nhất định. Tại Hội thảo đại biểu các tỉnh đã nêu những tồn tại, bất cập trong việc áp dụng Nghị định 33, tập trung các nội dung như sau:

          - Theo quy định, đối với hành vi vi phạm: Khai thác khoáng sản ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác, biện pháp khắc phục hậu quả là: “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính” còn chưa cụ thể và cách tính số bất hợp pháp dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, khó khăn trong việc áp dụng.

          - Điều chỉnh, bổ sung các loại đất (đất san lấp, đất tầng phủ, đất sỏi đỏ) vào vật liệu xây dựng thông thường để áp dụng Nghị định 33.

          - Điều chỉnh quy định lắp đặt trạm cân và hệ thống camera giám sát tại nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ đối với các mỏ khai thác cát, sỏi lòng sông do quy định hiện hành còn chưa phù hợp so với thực tế, vì khai thác cát sỏi lòng sông đa số bằng tàu, thuyền hút và thường trãi dài trên một đoạn sông, suối nên việc lắp đặt trạm cân và hệ thống camera rất khó thực hiện.

          - Đề nghị sửa đổi thời điểm chậm nộp báo cáo định kỳ kết quả hoạt động khoáng sản bị áp dụng xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 35 Nghị định 33 (trước ngày 15/01 hành năm) cho phù hợp với thời hạn cho phép nộp báo cáo định kỳ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 (trước ngày 01/02 hành năm).

          - Đối với các hình thức áp dụng hình phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác khoáng sản nên áp dụng đối với các hành vi tái phạm và đề nghị cơ quan nào cấp Giấy phép thì cơ quan đó tước quyền Giấy phép để tránh gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và ảnh hưởng lợi ích của địa phương và người lao động.

          Và các nội dung khác liên quan đến bất cập, vướng mắc theo Nghị định 33 được các đại biểu trao đổi, thảo luận…

Hội thảo này là dịp để các địa phương trên toàn quốc cùng trao đổi, thảo luận tổng kết những kinh nghiệm thực tiễn ở cơ sở, địa phương để tháo gỡ các vướng mắc bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 33, để tạo chuyển biến tích cực trong công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, góp phần chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TN&MT...từ đó góp phần giúp các địa phương quản lý tài nguyên và môi trường tốt hơn, hiệu quả hơn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

 

 

Quang cảnh hội nghị

 

         Tại Hội thảo, các đồng chí chủ trì đã tiếp thu, ghi nhận ý kiến của các đại biểu để đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạmhành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản nhằm hoàn thiện phù hợp với tình hình mới./.       

 

                                                                                     Người viết: Trần Thị Thương - Thanh tra,

                                                                                     Ảnh Vân Oanh - Phòng Khoáng sản và Nước

More