Chi tiết tin - Sở Tài nguyên và Môi trường

Hội thảo lấy ý kiến sản phẩm các nhiệm vụ về ứng phó với biến đổi khí hậu

Post date: 22/11/2024

      Ngày 15/11/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường thuộc Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu tổ chức hội thảo lấy ý kiến sản phẩm nhiệm vụ “Đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị” và nhiệm vụ “Điều tra, khảo sát lập danh mục chất làm suy giảm tầng ô - dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính và cập nhật danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hữu Nam chủ trì hội thảo, tham dự có đại diện Đài Khí tượng thủy văn tỉnh; Lãnh đạo và cán bộ chuyên môn từ các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Đồng chí Nguyễn Hữu Nam - Phó Giám đốc Sở phát biểu khai mạc Hội thảo

Description: D:\Office\2024\NV_2024\1.DA_DANH GIA TT&TH_27.11.2021\2024\Hội thảo lấy ý kiến\Anh HT\6dd142f6c8e973b72af8.jpg

GĐ Trung tâm Nghiên cứu Môi trường PGS.TS Doãn Hà Phong trình bày về quá trình thực hiện hai nhiệm vụ

       Theo nội dung trình bày của TS. Mai Trọng Hoàng về kết quả của nhiệm vụ “Đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”, nhiệm vụ đã xác định được các địa phương có mức độ dễ bị tổn thương, rủi ro cao trước tác động của biến đổi khí hậu về lĩnh vực nông nghiệp (các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hướng Hóa) và lĩnh vực dân cư (các huyện Đakrông và Hướng Hóa).

TS. Mai Trọng Hoàng và Th.S Lê Văn Quy báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ

      Nhiệm vụ đã thống kê, tổng thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2004-2023 là 15.740,82 tỷ đồng. Đồng thời, tính toán tổn thất thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra cho địa phương đến năm 2030, trong đó, giá trị thiệt hại do thay đổi nhiệt độ cao nhất thuộc về loại hình đất ở khoảng 672.700,9 tỷ đồng; diện tích đất trồng trọt của ngành nông nghiệp, tương đương 32.400,8 tỷ đồng; nguy cơ thiệt hại do thay đổi lượng mưa cũng ước tính khoảng 89.690,6 tỷ đồng trên đất ở và 11.306,9 tỷ đồng trên đất trồng trọt. Trên cơ sở các phân tích về tác động, tính dễ bị tổn thương và tổn thất, thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, nhiệm vụ đã được ra được các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

      Kết quả nhiệm vụ “Điều tra, khảo sát lập danh mục chất làm suy giảm tầng ô - dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính và cập nhật danh mục các cơ sở phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh Quảng Trị” được ThS. Lê Văn Quy trình bày đã đưa ra các dữ liệu về sử dụng năng lượng trong sản xuất công nghiệp, trong hoạt động giao thông vận tải và các hoạt động khác (lĩnh vực năng lượng và công nghiệp); tổng hợp khối lượng chất thải rắn phát sinh, công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, danh sách thống kê các cơ sở xử lý chất thải, hiện trạng máy móc, thiết bị thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn (lĩnh vực chất thải); phát thải khí nhà kính từ chăn nuôi gồm khí mê-tan (CH4) từ dạ cỏ của động vật nhai lại và khí mê-tan, Nitơ Oxit (N2O) từ phân động vật (lĩnh vực nông nghiệp); diện tích đất rừng, đất trồng trọt, đất đồng cỏ, đất ở và đất khác cũng như định hướng phát triển của từng loại đất (lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất).

    Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị không diễn ra việc sản xuất và tiêu thụ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn như Bromochloromethane, CTC, CFC, Halon, HBFC và Methyl chloroform mà chỉ tiêu thụ HCFC (cụ thể là R-22 và R-123) sử dụng trong các điều hoà không khí, bơm nhiệt, chiller, các kho lạnh thương mại và công nghiệp và thiết bị chữa cháy chuyên dụng và Methyl bromide cho lĩnh vực kiểm dịch thực vật và khử trùng hàng xuất khẩu.

Các đại biểu tham gia thảo luận

      Các chuyên gia đến từ Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật, ĐHQG Hà Nội và đại biểu tham dự hội thảo đánh giá cao kết quả của các nhiệm vụ và đã đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện sản phẩm của các nhiệm vụ; đồng thời chia sẻ, thảo luận về một số nội dung liên quan tới các nhu cầu, thông tin, dữ liệu phục vụ trong quản lý về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đối với từng lĩnh vực, địa phương trên địa bàn tỉnh.

      Bám sát vào mục tiêu định hướng của tỉnh Quảng Trị, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp thu, tiếp tục phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường hoàn thiện sản phẩm của các nhiệm vụ; đảm bảo kết quả nhiệm vụ phục vụ hiệu quả công tác quản lý về ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh./.

                                                                           Bài: Mạnh Cường, Ảnh: Tây Đức (P.BĐ)

 

More