Chi tiết tin - Sở Tài nguyên và Môi trường

Tác động của dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng - giai đoạn 2

Post date: 26/03/2022

Dự án “Hành lang bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) tiểu vùng sông Mê kông mở rộng (BCC)” nhằm tăng cường năng lực cho các địa phương vùng dự án trong việc quy hoạch hành lang ĐDSH, xây dựng kế hoạch quản lý hành lang; phục hồi và trồng rừng nhằm khôi phục tính liên kết của các hành lang ĐDSH; cung cấp các giải pháp tạo sinh kế gắn với cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ góp phần giảm nghèo và cải thiện đời sống cho các dân tộc ít người tại 12 xã của 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa. Dự tính có 5.000 hộ gia đình được hưởng lợi trực tiếp từ dự án, trong đó khoảng 50% là phụ nữ và khoảng 93% là dân tộc ít người. Do vậy, người hưởng lợi trực tiếp là các hộ gia đình nghèo, dân tộc ít người sống tại các thôn miền núi vùng sâu, vùng xa; cải thiện sinh kế và tăng thu nhập cho khoảng 24.000 người ở 12 xã có cuộc sống phụ thuộc vào dịch vụ hệ sinh thái do hành lang ĐDSH cung cấp.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan khảo sát địa bàn triển khai thực hiện dự án BCC

 

Dự án BCC sẽ tăng cường và nâng cấp các cơ hội tạo thu nhập cho cộng đồng nhằm hỗ trợ việc tạo thêm thu nhập cho người nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Dự tính sẽ cung cấp 2,09 triệu USD cho các xã theo hình thức chuyển tiền mặt. Ngoài lợi ích về tiền mặt, khoảng 1,97 triệu USD sẽ được cung cấp qua hình thức chi trả cho người lao động thông qua dự án. Việc chi trả tiền mặt sẽ nâng cao thu nhập hiện tại từ mức trung bình 105 USD/tháng đến 163 USD/tháng cho các hộ gia đình được thu lợi. Tăng cường thể chế và cộng đồng; kế hoạch quản lý và khung thể chế, chính sách hành lang ĐDSH; cấp giấy CNQSD đất cho ít nhất 5.700 ha, trong đó 500 ha của hộ gia đình và 5.200 ha chứng nhận quản lý rừng tập thể (nhóm rừng của thôn); 500 cán bộ tỉnh, 450 cán bộ huyện, 1.700 cán bộ xã được đào tạo từ các hoạt động của dự án về phục hồi, bảo vệ hệ sinh thái rừng và dịch vụ hệ sinh thái; phục hồi được hơn 3.000 ha đất rừng tự nhiên thông qua phục hồi rừng, làm giàu, lâm sản ngoài gỗ và nông lâm kết hợp sử dụng chủ yếu các loài bản địa và được chăm sóc trong và sau thời gian dự án; ít nhất 4.000 ha rừng được tuần tra hiệu quả dựa vào các đơn vị tuần tra của xã để bảo vệ 5.200 ha vùng lõi của hành lang ĐDSH; các hoạt động phục hồi có đóng góp lao động từ phụ nữ tính bằng tiền mặt, cải thiện thu nhập hộ gia đình; cải thiện đời sống và hỗ trợ cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ tại các xã thông qua hỗ trợ tiền mặt và hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao sản lượng nông nghiệp và thu nhập từ vườn nhà, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp.

 

Bên cạnh đó, việc tăng cường dịch vụ hệ sinh thái dưới dạng tăng tiềm năng hấp thụ khí carbon, giảm xói mòn đất và tăng khả năng giữ nước sẽ góp phần vào phát triển và duy trì bền vững các dự án thủy điện, đảm bảo cho các dự án thủy điện chạy đủ công suất cũng như giảm chi phí sửa chữa thiệt hại đường giao thông do sạt lở đất. Sự cam kết của đối tượng hưởng lợi từ dự án (khoảng 5.000 hộ) đối với công tác bảo tồn và cải thiện các hoạt động canh tác tại vùng núi cũng như hỗ trợ gia tăng giá trị của các lâm sản ngoài gỗ, chế biến nông sản và tiếp cận thị trường sẽ cải thiện năng suất lao động và thu nhập của các hộ. Việc phục hồi rừng và quản lý rừng bền vững tại xã sẽ giảm đáng kể xói mòn đất và từ đó làm giảm sự bồi đắp lòng đập thủy điện ở hạ nguồn. Rừng được quản lý tốt sẽ tăng cường khả năng cung cấp nước của các dòng suối trong mùa khô. Điều này sẽ giúp cho các nhà máy thủy điện chạy với công suất tối ưu trong mùa khô. Việc cắt điện do thiếu nước chạy thủy điện sẽ được hạn chế dẫn tới việc cải thiện năng suất trong các ngành khác. Hơn thế nữa, việc thiết lập các hành lang ĐDSH liên kết với khu vực và lực lượng cán bộ các cấp được đào tạo từ dự án sẽ giúp tăng cơ hội cho Việt Nam nhận được các nguồn tài chính từ các tổ chức nước ngoài.

 

Dự án sẽ tạo ra các tác động mang tính toàn diện và tích cực đối với môi trường. Bảo tồn ĐDSH trong phạm vi vùng dự án là một vấn đề được quan tâm trên toàn cầu. Thông qua việc bảo tồn và phục hồi môi trường sống cần thiết, dự án sẽ hỗ trợ một số giống loài quý hiếm đang bị đe dọa cũng như các yếu tố ĐDSH khác. Phần lớn các hoạt động của dự án không dẫn tới các tác động tiêu cực đối với môi trường. Một số hoạt động của dự án có khả năng dẫn tới những tác động tiêu cực về mặt môi trường mang tính cục bộ và có thể kiểm soát được. Các tác động tiêu cực này cũng như các biện pháp để phòng tránh và làm giảm tác động tiêu cực đã được xác định trước sẽ được giảm thiểu trong quá trình xem xét kỹ lưỡng về tác động môi trường khi thiết kế và lập kế hoạch các hoạt động cụ thể của dự án. Công tác chuẩn bị triển khai dự án và giám sát mục tiêu sẽ giúp cho việc bảo vệ lợi ích môi trường của dự án. Phạm vi địa phương triển khai và các tiểu dự án sẽ được xác định trong giai đoạn triển khai dự án bởi các đối tác thực hiện trong khuôn khổ phạm vi và ưu tiên của dự án.

 

Chính sách phân bổ và quản lý đất đai hợp lý sẽ đẩy mạnh các sáng kiến bảo tồn và bảo vệ rừng. Các sáng kiến này có thể hạn chế việc người dân xâm nhập và khai khác các nguồn tài nguyên rừng. Sự mất mát của các khu đất nhỏ bên cạnh các cơ sở hạ tầng nông thôn có thể xảy ra cũng như các thiệt hại nhỏ về cấu trúc, mùa vụ và cây trồng và các thiệt hại tạm thời. Do đó dự án hạn chế các tác động không mong đợi thông qua các biện pháp cải thiện thu nhập và hoạt động tăng cường năng lực; thay đổi phương thức sản xuất từ tự cung tự cấp hoặc du canh du cư sang khuyến khích bảo tồn thông qua sự hiểu biết về các mục đích dự án sẽ mang lại. Các quỹ phát triển cho vay vốn quay vòng tại các xã sẽ cung cấp tín dụng để cải thiện sinh kế cho các hộ dân tộc thiểu số và khuyến khích phát triển các mô hình nông lâm bền vững. Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ cải thiện sự tiếp cận đến các dịch vụ xã hội và các thông tin về thị trường cũng như tiếp cận thị trường. Ngoài ra, nội dung của dự án BCC phù hợp với các quy định của Luật Bình đẳng giới năm 2006. Các tiểu dự án được BCC vạch ra sẽ hướng đối tượng được hưởng lợi phần lớn vào phụ nữ thông qua việc giảm thời gian tiêu tốn vào các hoạt động nội trợ trong gia đình. Thời gian tiết kiệm có thể được sử dụng cho các ưu tiên khác của phụ nữ cũng như gia đình. Phụ nữ sẽ được hưởng đầy đủ các quyền lợi về y tế, vệ sinh và giảm bớt sự tác động của thiên tai.

 

Tuy nhiên sự phát triển của hệ thống thuỷ điện, đường giao thông và cơ sở hạ tầng cho du lịch, khai khoáng đang tạo ra các thách thức tới các vùng sẽ là nơi cung cấp dịch vụ môi trường cho cộng đồng địa phương đang đóng vai trò là sinh cảnh quan trọng cho nhiều loài nguy cấp toàn cầu và loài đặc hữu. Hơn thế, sự phát triển của các ngành sản xuất và sự biến đổi khí hậu đang tạo ra một tác động tiếp theo đến các dịch vụ môi trường. Sự thay đổi của thời tiết và khí hậu khắc nghiệt sẽ tác động trực tiếp ảnh hưởng đến cộng đồng nghèo bị phụ thuộc. Do đó dự án đã đầu tư mạnh vào tăng cường năng lực để giải quyết vấn đề thiếu năng lực triển khai dự án, đặc biệt là năng lực kỹ thuật trong bảo tồn ĐDSH và ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập cho người dân.

 

Hồ Nguyên Kha