Chi tiết tin - Sở Tài nguyên và Môi trường

Đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Post date: 02/01/2024

       Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã hình thành 17 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 527,5 ha. Trong đó, 16 CCN đã đi vào hoạt động và đang thu hút đầu tư, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân 63,9 %, bao gồm: CCN Đông Lễ, CCN Phường 4, CCN Quốc lộ 9D, CCN Cầu Lòn – Bàu De, CCN Hải Lệ, CCN Diên Sanh, CCN Hải Thượng, CCN Hải Chánh, CCN Ái Tử, CCN Đông Ái Tử, CCN Cam Thành, CCN Cam Hiếu, CCN Cam Tuyền, CCN Cửa Tùng, CCN Krôngklang và CCN Hướng Tân; có 4 CCN đã cơ bản hoàn thành hạ tầng giao thông (CCN Đông Lễ, CCN Ái Tử - giai đoạn 1, CCN Cam Thành, CCN Diên Sanh). Các CCN đã thu hút được 153 dự án đầu tư vào 16 CCN trên địa bàn với tổng số vốn đăng ký khoảng 3.667 tỷ đồng, đã thực hiện đầu tư xây dựng khoảng 2.098 tỷ đồng, trong đó: 94 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, 22 dự án đang triển khai xây dựng, 18 dự án đang hoàn thiện các thủ tục để triển khai xây dựng, 19 dự án tạm dừng hoạt động [1]. Ngành nghề của các doanh nghiệp đầu tư vào các CCN khá đa dạng, chủ yếu là chế biến gỗ, may mặc, bê tông thương phẩm, gạch ngói, chế biến nông sản…

Hiện trạng hạ tầng kỹ thuật CCN Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh

Với nhu cầu thu hút đầu tư các dự án vào các CCN khá lớn, tuy nhiên, hạ tầng của các CCN chưa được đầu tư hoàn thiện, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường (bao gồm hệ thống thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải, quan trắc môi trường và công trình bảo vệ môi trường khác); các doanh nghiệp đang hoạt động trong các CCN phải tự đầu tư hệ thống xử lý nước thải tại cơ sở, xử lý đạt quy chuẩn sau đó thải ra môi trường tiếp nhận. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Trị chỉ có CCN Hướng Tân và CCN Ái Tử có hệ thống xử lý nước thải chung, tuy nhiên, hệ thống vận hành không hiệu quả; nước thải sản xuất của các cơ sở sản xuất chưa được thu gom, đấu nối về để xử lý. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng các CCN đã đi vào hoạt động khi chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, như: nguồn kinh phí hạn chế, việc gấp rút di dời các cơ sở sản xuất vào các CCN, ý thức trách nhiệm của các đơn vị chủ quản CCN…

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất tại các CCN, Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ đã quy định chi tiết về hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường của CCN. Tại Điều 48, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP nhấn mạnh tới nội dung: Hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường được bố trí phù hợp với các loại hình đầu tư trong CCN, bảo đảm giảm thiểu tác động xấu đối với môi trường xung quanh và phải được xây dựng, hoàn thành trước khi các cơ sở trong CCN đi vào hoạt động; quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Bảo vệ môi trường, CCN phải hoàn thành hạ tầng bảo vệ môi trường chậm nhất trước ngày 31/12/2023, yêu cầu cơ sở đang xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa phải chấm dứt việc xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa trước ngày 31/12/2023; hoàn thành việc lắp đặt hoàn thiện hệ thống quan trắc nước thải trước chậm nhất trước ngày 31/12/2024; quy định tại điểm b khoản 1 Điều 49 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ: “Không tiếp nhận thêm dự án mới hoặc nâng công suất dự án đang hoạt động có phát sinh nước thải sản xuất trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp trong các trường hợp sau: dự án mới có ngành nghề không thuộc danh mục ngành nghề được phép thu hút đầu tư của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp không có hoặc không đáp ứng một trong các yêu cầu về hạ tầng bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 48 Nghị định này”. Như vậy, sau ngày 31/12/2023, các CCN chưa đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường sẽ không được tiếp nhận thêm dự án mới hoặc nâng công suất dự án đang hoạt động có phát sinh nước thải sản xuất. Điều này sẽ là rào cản rất lớn đối với quá trình thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, thời gian quan, kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của đất nước nói chung và của tỉnh Quảng Trị nói riêng, nhất là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư tăng thu ngân sách, tạo việc làm, cải thiện an sinh xã hội. Chính vì vậy, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng các CCN trên địa bàn tỉnh cũng như hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường là cấp thiết, cần phải triển khai ngay, đồng bộ.

Vấn đề lớn nhất đặt ra hiện nay đối với việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường CCN đó là nguồn vốn. Tùy vào quy mô diện tích CCN, lượng nước thải phát sinh, thành phần chất thải, công nghệ xử lý nước thải, mức đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường cho mỗi CCN có thể khác nhau, ước tính khoảng từ 10-20 tỷ đồng. Trách nhiệm đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường CCN là do chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN thực hiện. Với điều kiện thực tiễn của các CCN trên địa bàn tỉnh, để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường CCN theo quy định của pháp luật, cần thực hiện một số giải pháp sau:

- Tiến hành điều tra, đánh giá kỹ hiện trạng xả thải của các cơ sở sản xuất trong các CCN, từ đó đề xuất quy mô, công nghệ xử lý nước thải phù hợp với từng CCN. Với các CCN có tỷ lệ lấp đầy còn thấp thì nên đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo từng module để nâng cao hiệu quả xử lý, tránh lãng phí đầu tư.

- Ưu tiên bố trí nguồn vốn để hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường CCN theo lộ trình quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

- Thực hiện xã hội hóa, thu hút việc đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành hạ tầng CCN thay vì nguồn vốn ngân sách Nhà nước; vận dụng linh hoạt các nguồn vốn để đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường CCN.

- Khuyến khích, hỗ trợ chủ đầu tư hạ tầng CCN liên danh, liên kết, hợp tác để xây dựng, kinh doanh và vận hành công trình hạ tầng bảo vệ môi trường tại các CCN theo hướng chuyên môn hóa hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.

- Thực hiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, kinh doanh và vận hành các công trình bảo vệ môi trường tại các CCN.

Với tình hình thực tiễn tại địa phương như hiện nay, việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường tại các CCN là rất cần thiết, cần có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh. Có như vậy, mới có thể đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đồng thời đảm bảo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, phù hợp với định hướng phát triển bền vững nền kinh tế tỉnh nhà.

                                                                                               Bài: Phong Lan (CCBVMT)

 

More