Chi tiết tin - Sở Tài nguyên và Môi trường

Kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống ngành Quản lý đất đai (03/10/1945-03/10/2021)

16:15, Chủ Nhật, 27-3-2022

Ngày 11 tháng 6 năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 850/QĐ-TTg lấy ngày 03 tháng 10 hàng năm là Ngày Truyền thống ngành Quản lý Đất đai Việt Nam (ngày 3 tháng 10 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 41 bãi bỏ tất cả các công sở và các cơ quan thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương, cơ quan phụ trách về quản lý đất đai là Sở Trước bạ - Văn tự - Quản thủ điền thổ và Thuế trực thu do Bộ Tài chính tiếp nhận).

Kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống của Ngành Quản lý Đất đai (03/10/1945 - 03/10/2021) diễn ra trong thời điểm cả nước đang căng mình chống chọi với đại dịch Covid-19. Tại địa bàn tỉnh Quảng Trị dịch bệnh cũng diễn biến hết sức phức tạp, nhất là thành phố Đông Hà đang triển thực hiện theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
        Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày truyền thống của Ngành Quản lý Đất đai, Tập thể cán bộ, công chức Phòng Quản lý đất đai - Sở Tài nguyên và Môi trường xin gửi đến các đồng chí Lãnh đạo Sở, nguyên Lãnh đạo Sở; các đồng chí đã và đang công tác trong ngành quản lý đất đai; các đồng chí, đồng nghiệp và các bạn lời chúc sức khỏe, lời cảm ơn sâu sắc, vì sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ, phối hợp đối với cán bộ, công chức Phòng Quản lý đất đai trong thời gian qua, giúp cho Phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
         Cũng nhân dịp này, cho phép tôi thay mặt Phòng Quản lý đất đai tóm tắt lại quá trình hình thành và phát triển của ngành Quản lý đất đai từ năm 1945 đến nay như sau:
        Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới của nước Việt Nam, kỷ nguyên dân tộc độc lập, dân quyền và dân chủ. Đến nay, trải qua 76 năm xây dựng và phát triển, ngành Quản lý đất đai Việt Nam nói chung và ngành quản lý đất đai ở tỉnh Quảng Trị nói riêng đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau và ở mỗi giai đoạn, Ngành đều có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, cụ thể:

          1. Giai đoạn 1945 – 1959
         Sau khi tuyên bố độc lập, ngày 3 tháng 10 năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 41 bãi bỏ tất cả các công sở và các cơ quan thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương, cơ quan phụ trách về quản lý đất đai là Sở Trước bạ - Văn tự - Quản thủ điền thổ và Thuế trực thu do Bộ Tài chính tiếp nhận.
         Sau đó ngành Địa chính được thiết lập với tên gọi Nha Trước bạ - Công sản - Điền thổ. Kèm theo đó là hệ thống các đơn vị trực thuộc ở 03 cấp: Tỉnh, huyện, xã nhằm duy trì, bảo vệ chế độ sở hữu ruộng đất và thu thuế điền thổ. Đến năm 1953 do yêu cầu của kháng chiến, các Ty Địa chính được sáp nhập vào Bộ Canh nông, rồi trở lại Bộ Tài chính để phục vụ mục đích thu thuế nông nghiệp.
         Cải cách ruộng đất năm 1953 - 1958 đã mang lại sự khởi sắc cho ngành Địa chính. Đứng đầu là Sở Địa chính thuộc Bộ Tài chính, hệ thống các cơ quan ngành dọc của Sở trực thuộc Ủy ban hành chính các cấp, có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan khác thực hiện kế hoạch hóa và hợp tác hóa nông nghiệp nông thôn.

         2. Giai đoạn 1960 – 1978
        Do sự phát triển quan hệ ruộng đất ở nông thôn và củng cố quan hệ sản xuất Xã hội chủ nghĩa, ngành Quản lý ruộng đất được thiết lập, chuyển từ Bộ Tài chính sang Bộ Nông nghiệp với nhiệm vụ quản lý mở mang, sử dụng và cải tạo ruộng đất trong nông nghiệp.
       Quản lý ruộng đất bao gồm 3 nội dung chủ yếu: Lập bản đồ, địa bạ về ruộng đất, thường xuyên chỉnh lý bản đồ và địa bạ cho phù hợp với sự thay đổi về hình thể ruộng đất, về quyền sở hữu, sử dụng ruộng đất, về tình hình canh tác và cải tạo ruộng đất; Thống kê diện tích, phân loại chất đất; Nghiên cứu xây dựng các luật lệ, thể lệ về quản lý ruộng đất trong nông nghiệp và hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành các luật lệ, thể lệ ấy.
          Hệ thống quản lý ruộng đất được tổ chức thành 4 cấp: Trung ương là Vụ Quản lý ruộng đất; cấp tỉnh là Phòng Quản lý ruộng đất; cấp huyện là Bộ phận Quản lý ruộng đất; cấp xã là Cán bộ quản lý ruộng đất.
          3. Giai đoạn từ năm 1979 đến nay
        Năm 1979, Tổng cục Quản lý ruộng đất được thành lập - "Tổng cục Quản lý ruộng đất là cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng, thống nhất quản lý nhà nước đối với toàn bộ ruộng đất trên lãnh thổ cả nước nhằm phát triển sản xuất, bảo vệ đất đai, bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả cao đối với tất cả các loại đất.
          Cơ quan quản lý đất đai ở địa phương được thành lập theo 03 cấp:
         - Cấp tỉnh, có Ban Quản lý ruộng đất trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Sau Luật Đất đai năm 1987 cho tới năm 1993 hầu hết các Ban Quản lý ruộng đất trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đã chuyển thành Chi cục Quản lý đất đai hoặc Chi cục Quản lý ruộng đất trực thuộc Sở Nông - Lâm nghiệp;
        - Cấp huyện: có Phòng Quản lý ruộng đất trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện, một số địa phương khu vực đô thị thành lập Phòng Quản lý nhà đất hoặc Phòng Nhà đất; từ năm 1988 - 1994, Phòng Quản lý ruộng đất sáp nhập vào các Phòng Nông Lâm nghiệp hoặc Phòng Kinh tế;
         - Cấp xã, có Cán bộ quản lý ruộng đất chuyên trách.
        Năm 1994, Tổng cục Quản lý ruộng đất và Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước được hợp nhất và tổ chức lại thành Tổng cục Địa chính. Tổng cục Địa chính là cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai và đo đạc - bản đồ trên phạm vi cả nước. Ngay sau khi thành lập Tổng cục Địa chính, ở địa phương các Sở Địa chính được thành lập trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Một số thành phố lớn thành lập Sở Địa chính - Nhà đất. Tại cấp huyện, từ năm 1995 cơ quan quản lý đất đai là Phòng Địa chính (hoặc Phòng Địa chính - Nhà đất) trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Tại cấp xã, có Cán bộ Địa chính xã (hoặc phường, thị trấn) và thường kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ quản lý về xây dựng.
         Năm 2002, Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập. Trong cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường có 2 đơn vị chuyên trách quản lý nhà nước về đất đai là Vụ Đất đai và Vụ Đăng ký và Thống kê đất đai. Ngay sau đó, tại địa phương các Sở Tài nguyên và Môi trường được thành lập trên cơ sở sáp nhập Sở Địa chính với các đơn vị quản lý nhà nước về môi trường, địa chất khoáng sản, tài nguyên nước. Chức năng quản lý nhà nước về đất đai ở cấp tỉnh do một số đơn vị cấp phòng trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Cấp huyện thành lập Phòng Tài nguyên và Môi trường; cấp xã có Cán bộ Địa chính xã và thường kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ quản lý về xây dựng và một số chức năng quản lý nhà nước khác thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường.
       Năm 2008, Tổng cục Quản lý đất đai được thành lập theo Quyết định số 134/2008/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ, TC QLĐĐ là cơ quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, để tập trung các hoạt động quản lý nhà nước về đất đai ở cấp Trung ương về một đầu mối chuyên trách. 
       Tại cấp tỉnh hiện nay mô hình về tổ chức bộ máy đối với công tác quản lý đất chưa có sự thống nhất, đồng bộ. Thực hiện Thông tư liên tịch số 50/2014/TTLT-BTNMT-BNV ngày 28/8/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nội vụ, đa số các địa phương đã thành lập Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, đã có 43/63 tỉnh thành lập Chi cục Quản lý đất đai (tuy nhiên hiện nay một số địa phương đã có sắp xếp lại: có địa phương thì trở lại là phòng chuyên môn, có địa phương thì sát nhập với các đơn vị khác..). Đối với Văn phòng đăng ký đất đai (1 cấp) thì đã có 63/63 tỉnh thành lập.
       Tại cấp huyện: Cơ quan quản lý đất đai là Phòng Tài nguyên và Môi trường.
       Tại cấp cấp xã: có Công chức Địa chính.

       Ở TỈNH TA:
       Sau khi tỉnh nhà được lập lại Chi cục Quản lý đất đai được thành lập và trực thuộc Sở Nông nghiệp. Thời kỳ này Chi cục có 04 bộ phận: Bộ phận hành chính tổng hợp; bộ phận đăng ký thống kê; bộ phận đo đạc; bộ phận thanh tra.
      Năm 1994, Sở Địa chính được thành lập, lúc này mới hình thành các Phòng. Về thực hiện nhiệm vụ giúp Giám đốc Sở trong công tác quản lý đất đai có Phòng Đăng ký thống kê.
      Năm 2003, Sở Tài nguyên và Môi trường được thành lập theo Quyết định số 1943/QĐ-UB ngày 16/9/2003 của UBND tỉnh trên cơ sở sáp nhập bộ phận khoáng sản từ Sở Công thương, bộ phận quản lý tài nguyên Nước từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bộ phận Môi trường từ Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường vào Sở Địa chính .
       Phòng chuyên môn thực hiện công tác quản lý đất đai qua nhiều thời kỳ với nhiều tên gọi khác nhau, như: Phòng Đăng ký thống kê, Phòng Đăng ký đất đai –ĐĐ&BĐ và Phòng quy hoạch, Phòng Quản lý Đất đai- Đo đạc và Bản đồ, Phòng Quản lý đất đai, đo đạc- bản đồ và Viễn thám và nay là Phòng Quản lý đất đai.
       Tuy nhiên công tác quản lý nhà nước đất đai không chỉ riêng Phòng Quản lý đất đai thực hiện mà còn có Phòng Đo đạc- bản đồ và Viễn thám, Thanh tra Sở và Văn phòng Đăng ký đất đai cùng thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai. Ngoài ra còn có sự hỗ trợ về kỹ thuật, về các công cụ quản lý của nhiều đơn vị như VP Sở, VPĐKĐĐ, TTKT, TTPTQĐ...
        Trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, lĩnh vực quản lý đất đai cần phải tập trung những nhiệm vụ trọng tâm sau: Chú trọng hoàn thành phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 5 năm (2021-2025); kịp thời tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, thực hiện chuyển đổi số; giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính về đất đai cho tổ chức, cá nhân; công tác tài chính về đất đai, giá đất…
        Để tiếp nối truyền thống vẻ vang của ngành, tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh nhà. Phòng Quản lý đất đai mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Lãnh đạo Sở; sự phối hợp của các đồng chí, đồng nghiệp để Phòng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
          Một lần nữa xin chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công./.
          Một số hình ảnh hoạt động của ngành trong năm 2021:

Đồng chí Nguyễn Trường Khoa - Giám đốc Sở chủ trì hội thảo Xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ giá đất tỉnh Quảng Trị”

Đồng chí Nguyễn Trường Khoa – Giám đốc Sở tham gia Đoàn kiểm tra các dự án điện gió tại Hướng Hóa của Thường trực HĐND tỉnh

 

Đồng chí Nguyễn Thế Hiếu – PGĐ Sở kiểm tra công tác BT-GPMB công trình điện 220 KV Đông Hà- Lao Bảo

Đồng chí Võ Quốc Hoàng – PGĐ Sở chủ trì thẩm định phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh

                                                                                                                                            Bài và ảnh: Lê Văn Điều (P.QLĐĐ)

Các tin khác