Chi tiết tin - Sở Tài nguyên và Môi trường

Triển khai thực hiện nhiệm vụ Điều tra, khảo sát xác định khu vực biển để nhận chìm chất đổ thải, nạo vét trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

14:11, Thứ Bảy, 26-3-2022

        Việc nhận chìm ở biển đã được quy định chi tiết trong Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 và Nghị định số 40/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Danh mục các chất được phép nhận chìm ở biển quy định trong Nghị định số 40/2016/NĐ-CP của Chính phủ hoàn toàn trùng khớp với danh mục các chất, bao gồm cả chất nạo vét được đổ xuống biển quy định trong Công ước Luân Đôn 1972 và Nghị định thư Luân Đôn 1996. Như vậy, luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam đều cho phép nhận chìm ở biển. Mục đích là để quản lý tốt hơn và giảm thiểu tác động môi trường do nhận chìm ở biển, đồng thời giảm chi phí nhận chìm, đổ thải, tạo điều kiện để phát triển kinh tế biển một cách hiệu quả nhất hoặc trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể không có cách nào khác xử lý tốt hơn là nhận chìm.

 

Với vai trò quan trọng của biển trong sự phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua tất cả các tỉnh, thành phố ven biển nói chung và Quảng Trị nói riêng đều xem biển và vùng ven biển là một vùng kinh tế động lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo Quyết định 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ, cảng biển Mỹ Thủy được quy hoạch là khu bến cảng biển tiềm năng, phát triển có điều kiện với chức năng chính là chuyên dùng phục vụ khu công nghiệp và tiếp chuyển hàng. Trong quá trình xây dựng bến cảng một khối lượng lớn chất nạo vét sẽ phải đổ thải ra biển. Bên cạnh đó, để đảm bảo duy trì các hoạt động giao thông thủy ở các cảng biển, khu neo đậu cho tàu thuyền trú bão, các hoạt động nạo vét ở khu vực này sẽ phải tiến hành thường xuyên và diễn ra định kỳ. Tuy nhiên, hiện nay tỉnh Quảng Trị chưa quy hoạch các bãi đổ thải chất nạo vét, nhận chìm gây khó khăn cho việc quản lý, kiểm soát, giảm thiểu những tác động ô nhiễm do quá trình nạo vét, đổ thải đến môi trường và các hệ sinh thái và các khu bảo tồn biển.

       Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh theo Quyết định số 3024/QĐ-UBND ngày 21/10/2020, Chi cục Biển, Hải đảo và KTTV đã phối hợp với Viện Tài nguyên và Môi trường biển thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện. Trong quá trình triển khai, Chi cục thường xuyên cử cán bộ kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ nhiệm vụ.

Đo tốc độ dòng chảy

Lấy mẫu và đo các thông số chất lượng nước

Lấy mẫu trầm tích

Đoàn khảo sát chụp ảnh lưu niệm

          Nhiệm vụ được thực hiện sẽ cung cấp cơ sở khoa học cho việc lập quy hoạch các bãi đổ vật liệu nạo vét, nhận chìm ở vùng biển Quảng Trị. Kết quả của nhiệm vụ cũng sẽ cung cấp các thông tin cơ bản, định lượng như nạo vét, đổ thải khi nào, ở đâu sẽ ít tác động đến môi trường, các hệ sinh thái trong khu vực nhất. Khả năng vận chuyển lượng bùn cát đó ra các vùng biển xung quanh cũng như khả năng di chuyển trở lại gây bồi lắng khu vực luồng tàu vào cảng như thế nào. Các kết quả của nhiệm vụ là cơ sở khoa học cho việc nạo vét, nhận chìm, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng tỉnh theo hướng phát triển bền vững.
                                                                                               

 Bài và ảnh: Tây Đức (CCBĐ)

Các tin khác